Kính thưa toàn thể Nhân dân thành phố.
Ngày 25/3/2024, UBND thành phố Nha Trang đã ban hành Đề án số 2161/ĐA-UBND về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Nha Trang.
Sự cần thiết của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Nha Trang:
Nhằm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tạo chuyển biến về nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; thành phố Nha Trang có 08 đơn vị hành chính cấp xã gồm: Phương Sơn, Phương Sài, Xương Huân, Vạn Thạnh, Vạn Thắng, Phước Tân, Phước Tiến, Tân Lập không đạt đồng thời tiêu chuẩn diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn đơn vị hành chính tương ứng theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 22/9/2022 nên phải thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025.
Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII nhằm tinh gọn bộ máy, góp phần nâng cao đời sống, giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, dân tộc; tạo động lực cho các đơn vị phường, xã chủ động trong việc sắp xếp, bố trí cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương.
Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Nha Trang như sau:
a) Nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Phương Sơn và phường Phương Sài. Trụ sở ĐVHC mới dự kiến đặt tại phường Phương Sài.
b) Nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Xương Huân, phường Vạn Thạnh và phường Vạn Thắng. Trụ sở ĐVHC mới dự kiến đặt tại phường Vạn Thạnh (nằm ở vị trí trung tâm của 3 phường).
c) Nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Phước Tiến, phường Phước Tân và phường Tân Lập. Trụ sở ĐVHC mới dự kiến đặt tại phường Phước Tiến (nằm ở vị trí trung tâm của 3 phường).
* Số lượng ĐVHC cấp xã sau sắp xếp gồm 22 đơn vị (gồm: 14 phường và 08 xã), giảm 05 đơn vị so với trước khi sắp xếp.
Về tên gọi của ĐVHC mới sau khi sắp xếp
Tên gọi của ĐVHC mới sau khi sắp xếp được xác định theo thứ tự các tiêu chí sau:
a) Lịch sử hình thành của đơn vị hành chính trước khi sắp xếp;
b) So sánh quy mô dân số và diện tích của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp để đảm bảo ít tác động đối với người dân khi thay đổi giấy tờ và thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan;
c) Trường hợp 02 tiêu chí trên có yếu tố tương đồng thì xem xét đặt tên mới phù hợp.
- Đối với phường Phương Sơn và Phương Sài sau khi sắp xếp, dự kiến tên đơn vị hành chính mới là: “Phương Sài” (do phường Phương Sơn được tách ra từ phường Phương Sài và làng cổ Phương Sài là một trong năm làng cổ hình thành thị trấn Nha Trang từ năm 1924, đồng thời quy mô dân số của phường Phương Sài (hơn 13.000 dân) nhiều hơn phường Phương Sơn (hơn 9.000 dân) sẽ tác động ít hơn đối với người dân khi thay đổi giấy tờ và thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan)
- Đối với phường Xương Huân, Vạn Thạnh, Vạn Thắng sau khi sắp xếp, dự kiến tên đơn vị hành chính mới là: “Vạn Thạnh” (phường Xương Huân và phường Vạn Thạnh là tên gọi của 02 đơn vị được hình thành từ tên của các làng cổ của thị trấn Nha Trang 100 năm trước, tuy nhiên so sánh dân số phường Vạn Thạnh (hơn 13.000 dân) nhiều hơn phường Xương Huân (hơn 9.000 dân) nên đề nghị lấy tên phường Vạn Thạnh sẽ tác động ít hơn đối với người dân khi thay đổi giấy tờ và thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan).
- Đối với phường Phước Tân, Phước Tiến, Tân Lập sau khi sắp xếp, dự kiến tên đơn vị hành chính mới là: “Tân Tiến” (do lịch sử hình thành của các phường Tân Lập (năm 1971), phường Phước Tân và Phước Tiến (năm 1975) gần nhau, quy mô dân số của các địa phương cũng tương đồng, do đó đề xuất đặt tên cho đơn vị hành chính mới trên cơ sở lấy một phần tên của các đơn vị cũ).
Đối tượng, phạm vi tác động của vấn đề lấy ý kiến:
1. Tác động về hoạt động quản lý nhà nước
- Tác động tích cực: Việc sắp xếp ĐVHC góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các phường; các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở những ĐVHC thực hiện sắp xếp được kiện toàn và bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; tạo ra sự thay đổi tích cực trong công tác quản lý hành chính, như: đầu mối, bộ máy được thu gọn; biên chế được tinh giản nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước mới. Để thực hiện tốt nhiệm vụ ở đơn vị hành chính mới sau sắp xếp yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải tự ý thức và thường xuyên trau dồi kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ; cán bộ, công chức, người lao động được tập huấn, nâng cao vai trò, tinh thần, trách nhiệm và nhiệm vụ trong tình hình mới. Đối với những người không đủ điều kiện tiêu chuẩn, không đáp ứng được yêu cầu công việc sẽ phải thực hiện chính sách tinh giản theo lộ trình sắp xếp cán bộ, công chức của đơn vị hành chính mới.
- Tác động tiêu cực: Số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư nhiều sau khi sắp xếp các ĐVHC; cùng với việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế nên còn khó khăn trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Cán bộ, công chức giảm, trong khi quy mô địa bàn quản lý tăng lên, gây áp lực cho đội ngũ cán bộ, công chức. Đối tượng và quy mô thực hiện quản lý nhà nước mở rộng và có tính chất phức tạp; năng lực một bộ phận cán bộ, công chức chưa thể đáp ứng ngay với công việc, yêu cầu của công tác quản lý nhà nước trong tình hình mới. Việc nhập các ĐVHC cấp xã thành các ĐVHC mới đồng thời làm thay đổi nội dung quản lý địa giới hành chính, thiết lập lại các bản đồ, hồ sơ địa giới làm cơ sở cho việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, bản đồ của các lĩnh vực khác nên cũng cần có thời gian để thực hiện, điều chỉnh; thủ tục hồ sơ tăng lên, khối lượng công việc nhiều hơn và đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách bước đầu sẽ gặp lúng túng trong công tác quản lý, tiếp nhận hồ sơ và giải quyết công việc, hồ sơ, các giấy tờ liên quan của người dân, doanh nghiệp sau khi sáp nhập.
2. Tác động về kinh tế - xã hội
- Tác động tích cực: Khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã, diện tích tự nhiên và quy mô dân số giữa các đơn vị tương đối đồng đều, thuận lợi trong việc hoạch định các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực cũng như triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, hạ tầng kinh tế - xã hội sẽ tiếp tục được quan tâm đầu tư đồng bộ, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh; giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn. Hệ thống giáo dục, y tế cũng được sắp xếp, kiện toàn, nâng cao chất lượng; từ đó tạo điều kiện thuận lợi để tăng mức đầu tư cho phúc lợi xã hội, đảm bảo tốt hơn công tác an sinh xã hội của địa phương.
- Tác động tiêu cực: Sau khi sắp xếp các ĐVHC cấp xã với diện tích tự nhiên và quy mô dân số tăng lên gấp nhiều lần so với hiện nay, cùng với tác động của quá trình đô thị hóa sẽ dễ dẫn đến một số những vấn đề bất cập về kinh tế - xã hội như: cần phải điều chỉnh quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu và các quy hoạch ngành, lĩnh vực cho phù hợp với tình hình, đặc điểm của ĐVHC mới; các thiết chế văn hóa hiện có không còn đáp ứng được nhu cầu trong khi quỹ đất và các nguồn lực đầu tư còn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ; hệ thống cơ sở hạ tầng ở giai đoạn đầu sau nhập ĐVHC còn phân tán, chưa tập trung để hình thành khu chức năng nên cũng ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, của thành phố và của tỉnh. Trong giai đoạn đầu sau khi sắp xếp đơn vị hành chính sẽ có các xáo trộn, khó khăn trong quá trình người dân, doanh nghiệp đến liên hệ công tác. Người dân và các doanh nghiệp sẽ mất thêm thời gian chuyển đổi một số giấy tờ có liên quan từ đơn vị hành chính cũ sang đơn vị hành chính mới.
3. Tác động về quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội
- Tác động tích cực: Việc sắp xếp ĐVHC trên địa bàn thành phố đã được cân nhắc, nghiên cứu kỹ về các yếu tố về văn hóa, phong tục, tập quán, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và nhận được sự nhất trí cao của các cấp Ủy, Đảng, Chính quyền; nhận được sự đồng thuận cao của Nhân dân địa phương. Do vậy, không ảnh hưởng nhiều đến tâm tư, tinh cảm của Nhân dân, tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội cơ bản được ổn định và giữ vững. Đảm bảo quy mô giữa các phường tương đối đồng đều, tạo thuận lợi trong công tác phân bổ nguồn lực quốc phòng, an ninh.
- Tác động tiêu cực: Khi tiến hành sắp xếp các ĐVHC cấp xã, đơn vị hình thành có địa bàn rộng hơn, nhân lực còn nhiều hạn chế, trong khi đó tình hình tội phạm có nhiều diễn biến, hoạt động phức tạp, các thủ đoạn đối phó với lực lượng an ninh ngày càng tinh vi nên việc quản lý an ninh, trật tự và an toàn xã hội bước đầu sẽ gặp khó khăn; đặc biệt trong công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng. Đặc biệt, các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền chống phá chủ trương của Nhà nước đến những người dân chưa thực sự hiểu rõ về chủ trương sắp xếp ĐVHC, làm hoang mang, kích động gây rối, làm mất an ninh trật tự.
4. Tác động về cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công
- Tác động tích cực: Xây dựng bộ máy chính quyền địa phương ở phường tinh gọn, hợp lý, đảm bảo hoạt động có hiệu lực hiệu quả, phục vụ Nhân dân ngày một tốt hơn. Có điều kiện tập trung xây dựng bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến.
- Tác động tiêu cực: Tăng khối lượng giải quyết công việc hành chính, thủ tục hành chính tăng theo nhưng số lượng cán bộ, công chức phải đảm bảo theo quy định, đòi hỏi cán bộ, công chức phải nâng cao năng lực thực thi công vụ phù hợp với vị trí mới có khối lượng công việc lớn hơn, tầm hạn quản trị rộng hơn. Đòi hỏi phải có thêm thời gian và kinh phí để chuyển đổi hồ sơ, giấy từ giữa đơn vị hành chính cũ và đơn vị hành chính mới thành lập.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, các tổ chức trên địa bàn các ĐVHC cấp xã liên quan đến việc điều chỉnh và sắp xếp ĐVHC trong việc thay đổi địa chỉ, giấy tờ, con dấu,…UBND thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị xây dựng Kế hoạch cụ thể cả về nội dung và thời gian làm việc để hướng dẫn UBND cấp xã trong việc giải quyết các vấn đề cần thiết để nhằm sớm ổn định cuộc sống người dân, doanh nghiệp và công tác quản lý, hoạt động kinh doanh,...
Thời gian tổ chức lấy ý kiến:
UBND các phường: Phương Sơn, Phương Sài, Xương Huân, Vạn Thạnh, Vạn Thắng, Phước Tân, Phước Tiến, Tân Lập sẽ tổ chức rà soát, tổng hợp và lập danh sách cử tri để lấy ý kiến đối với phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã thuộc địa phương, đảm bảo hoàn thành việc lấy ý kiến đến hết ngày 08/5/2024 và báo cáo về UBND thành phố trước ngày 10/5/2024.
Quyền và nghĩa vụ của cử tri trong việc lấy ý kiến.
1. Mọi cử tri có quyền và nghĩa vụ tham gia khi cơ quan có thẩm quyền tổ chức lấy ý kiến cử tri.
2. Mỗi cử tri có quyền thể hiện ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý vào Phiếu lấy ý kiến.
3. Cử tri phải tự mình viết và ký vào Phiếu lấy ý kiến, không được nhờ người khác viết thay.
4. Trường hợp cử tri không biết chữ hoặc không biết tiếng Việt, cử tri là người khuyết tật không tự đánh dấu và ký tên vào Phiếu lấy ý kiến cử tri thì được nhờ người trong gia đình hoặc người thân viết hộ.
Tại điều 3 Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
1. Tuyên truyền, đưa thông tin sai lệch về nội dung, ý nghĩa của việc lấy ý kiến cử tri.
2. Dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép, cản trở làm cho cử tri không thực hiện hoặc thực hiện việc lấy ý kiến cử tri trái với mong muốn của mình.
3. Giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả lấy ý kiến cử tri.
4. Lợi dụng việc lấy ý kiến cử tri để kích động, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Kính thưa Nhân dân thành phố,
Việc thực hiện Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thành phố là hết sức cần thiết nhằm thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, phù hợp với xu thế phát triển của quê hương, đất nước trong giai đoạn mới, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. UBND thành phố Nha Trang thông tin đếnNhân dân được biết, rất mong nhận được sựđồng thuận,ủng hộ của Nhân dân đối với việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn thành phố./.
https://nhatrang.khanhhoa.gov.vn/vi/tin-noi-bat/de-an-ve-viec-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-giai-doan-2023-2025-tren-dia-ban-thanh-pho-nha-trang#