Theo công bố cuối năm 2023 của Thanh tra Chính phủ cho thấy, chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh (PACA) năm 2022 của Khánh Hòa chuyển biến rất tích cực. Từ kết quả này, tỉnh đang tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm duy trì, nâng cao hiệu quả công tác PCTN, chỉ số PACA cho các năm tiếp theo.
Chuyển biến tích cực
Theo công bố của Thanh tra Chính phủ, PACA 2022 của Khánh Hòa đạt 71,92/100 điểm, cao hơn 5,86 điểm so với điểm trung bình chung cả nước (66,06 điểm), tăng 21,99 điểm và tăng tới 52 bậc so với PACA 2021 của tỉnh; xếp thứ 11/63 địa phương. Trong 4 nhóm chỉ số đánh giá, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, hoàn thiện pháp luật về PCTN của tỉnh đạt tới 19/20 điểm. Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng của tỉnh cũng đạt 7,35/10 điểm, trong khi điểm trung bình cả nước là 5,33. Tỉnh cũng đạt 23,77/30 điểm về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, Khánh Hòa tiến bộ đáng kể so với năm 2021 và là 1 trong 15 địa phương có PACA đạt từ 70 điểm trở lên.
Theo lãnh đạo Thanh tra tỉnh, công tác PCTN năm 2022 của tỉnh đạt được một số kết quả rất tích cực, tiến triển vượt bậc so với năm trước và cơ bản đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Thanh tra tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp rà soát, bổ sung hoặc điều chỉnh phương pháp thực hiện các tiêu chí của PACA; tiếp tục thành lập tổ công tác, tổ giúp việc đánh giá công tác PCTN, trong đó có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức đảng, UBND tỉnh, cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, UBND cấp huyện. Thanh tra tỉnh đã thành lập tổ kiểm tra; có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch công tác PCTN, tiêu cực; kiểm tra trực tiếp tại 3 đơn vị.
Triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chỉ số PACA
Tuy đạt được kết quả rất tích cực nhưng vẫn còn những tiêu chí thành phần trong PACA 2022 của tỉnh chưa đạt điểm tuyệt đối; có 8/36 tiêu chí thành phần chưa có điểm. Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, tỉnh vẫn còn đơn vị chưa thực hiện công khai, minh bạch; chưa ban hành kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện định mức, chế độ, tiêu chuẩn, cũng như việc thực hiện quy tắc ứng xử theo quy định. Một số đơn vị chưa thực hiện kiểm soát xung đột lợi ích; chưa có trường hợp giải quyết kiểm soát xung đột lợi ích. Việc phát hiện hành vi tham nhũng qua kiểm tra, thanh tra, giám sát, phản ánh, tố cáo, điều tra, truy tố, xét xử; tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản tham nhũng chưa cao. Nội dung thanh tra việc thực hiện pháp luật PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước chưa được tiến hành…
Theo ông Trương Thanh Phong - Phó Chánh Thanh tra tỉnh, để chỉ số PACA những năm tiếp theo của tỉnh duy trì thứ hạng cao, nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực tại tỉnh, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh triển khai đánh giá công tác PCTN năm 2023 và những năm tiếp theo; đẩy mạnh thực hiện các quy định về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tích cực bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Thanh tra tỉnh cũng tham mưu UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các chi nhánh, tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện pháp luật về PCTN, tiêu cực theo đúng chức năng, nhiệm vụ; xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra có nội dung thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN, tiêu cực đối với các tổ chức tín dụng có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh tổ chức thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; tăng cường xác minh, xử lý tài sản đã kê biên, phong tỏa; phối hợp chặt chẽ trong truy tìm, truy thu tài sản, cưỡng chế thi hành án đối với các tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế… Cơ quan thanh tra tăng cường phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, xử lý vụ việc, vụ án; kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng, kéo dài.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng nỗ lực phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua thanh tra, kiểm tra, điều tra, giải quyết tố cáo, xử lý tố giác, tin báo tội phạm; khắc phục tình trạng nể nang, xử lý không nghiêm các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; kịp thời triển khai các biện pháp thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc thất thoát do hành vi vi phạm có dấu hiệu tham nhũng gây ra; thực hiện tốt cơ chế xử lý sau thanh tra và quy định giám sát gắn liền với hoạt động giám sát của HĐND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên. Các đơn vị, địa phương duy trì tốt các tiêu chí đã đạt điểm tuyệt đối; khẩn trương khắc phục tiêu chí chưa đạt điểm tuyệt đối hoặc không có điểm ở PACA 2022. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về PCTN, tập trung vào nội dung công khai, minh bạch; xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; kiểm soát xung đột lợi ích, quy tắc ứng xử…
Từ năm 2016, Thanh tra Chính phủ đánh giá công tác PCTN theo thang điểm 100 trên 4 nhóm chỉ số: Công tác quản lý nhà nước về PCTN; kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng; kết quả thu hồi tiền, tài sản tham nhũng của UBND cấp tỉnh, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố.
Nguồn: https://www.khanhhoa.gov.vn/vi/van-de-ban-doc-quan-tam/nang-cao-hieu-qua-phong-chong-tham-nhung-4306